Đại học Kinh tế Quốc dân gây tranh cãi vì dự kiến không tuyển sinh từ điểm tốt nghiệp

19/09/2024 03:44

PNO - Đại diện Trường đại học Kinh tế Quốc dân lý giải đây là xu thế chung, bởi các đại học đang giảm dần chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT.

 

dh-kinh-te-quoc-dan-du-kien-_72165543610
(Ảnh minh họa)

Từ năm 2023, Trường đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế. Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT - là phương thức chủ đạo của Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm trước 2021.

Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Đại diện trường lý giải đây là xu thế chung, bởi các đại học đang giảm dần chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT. So với 2021, đề án của trường năm 2022 cũng giảm từ 50-70% các năm trước xuống còn 35% cho chỉ tiêu từ điểm tốt nghiệp.

Theo Đại học Kinh tế Quốc dân, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thiết kế để phục vụ xét tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường cần có những căn cứ khác nhằm tuyển chọn chính xác, khách quan.

Trường công bố kế hoạch này trong đề án năm 2022 để thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, thích nghi với thay đổi. Việc kế hoạch được áp dụng chính thức hay không sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bàn thảo và chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Đại học Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên đưa ra dự kiến không tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chị Phạm Mai Linh (phụ huynh có con hiện đang học lớp 11 tại Hà Nam) cho hay: “Tôi chỉ băn khoăn rằng xét tuyển như vậy liệu có đảm bảo công bằng cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không thể đưa con đi thi đánh giá năng lực được... 

Hơn nữa, năng lực tiếng Anh thì có thể bổ sung sau khi vào đại học, nhiều chương trình tại các trường đại học cũng không phải cứ có tiếng Anh là sinh viên ra trường sẽ giỏi. Vì thế, tôi mong các trường cần tính toán để các em học sinh vùng khó khăn không mất cơ hội, mất ước mơ chạm chân vào những trường hot”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng nên tính toán để đảm bảo quyền lợi cho học sinh ở những vùng khó khăn. Ông nói: “Xét tuyển thế nào là quyền tự chủ của các trường đại học nhưng phải tạo thuận lợi, giảm nhẹ áp lực thi cử cho học sinh, giảm áp lực kinh tế cho phụ huynh và quan trọng là đảm bảo quyền lợi cho học sinh ở những vùng khó khăn không có điều kiện thi chứng chỉ quốc tế”.

Hồng Ân