TPHCM: Phấn đấu đến cuối năm 2022, cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 39%

19/09/2024 05:46

PNO - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có kế hoạch tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố năm 2022.

 Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 39%, với 32,5% tổng số học sinh vào học.

tphcm-phan-dau-den-cuoi-_811655397938.jp
Thời gian tới, sở tạo điều kiện để thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và giảm áp lực sĩ số lên hệ thống công lập

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến cuối năm 2022 số cơ sở ngoài công lập đạt 67,5%; với số trẻ em theo học đạt 57,5% tổng số học sinh ở cấp học này. Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ trường ngoài công lập là 14% với số học sinh theo học đạt 7,5% tổng số học sinh. 

Để làm được điều này, theo ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - thời gian tới, sở sẽ rà soát, tham mưu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện để nhà đầu tư sử dụng đất không nằm trong quy hoạch giáo dục xây trường phổ thông tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội hóa, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và giảm áp lực sĩ số lên hệ thống công lập. Đề xuất xem xét các quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT khi áp dụng tại TPHCM, trong đó có quy định về diện tích tối thiểu từ 8-10m2/học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn này quá cao, các trường khó đạt được.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Đặc biệt, sở sẽ tham mưu xây dựng chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đảm bảo ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại cơ sở công lập. Đảm bảo công bằng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trong việc tạo điều kiện cho người học tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA và nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong nước (nếu có). Sắp tới, sẽ từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP trong giáo dục, trước mắt là với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục...

Theo ngành giáo dục, hằng năm, TPHCM chịu áp lực lớn về việc tăng số lượng học sinh (trung bình tăng 40.000 học sinh/năm) khiến hệ thống trường lớp quá tải. Trong khi theo định hướng phải giảm biên chế các đơn vị công lập mỗi năm 10%. Hiện thành phố có hơn 1.000 trường ngoài công lập bao gồm cả mầm non, phổ thông với hơn 260.000 học sinh, chiếm khoảng 16% tổng số học sinh toàn thành phố.

Minh Linh