PNO - Không chỉ có tính năng mở nắp tự động, thùng rác thông minh còn có khả năng diệt khuẩn, ngăn virus mang mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đó là sáng chế của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, gồm: Phan Tuấn Nhật (lớp 18D1 Khoa Điện - Điện tử), Trần Viết Minh Phát (lớp 18CDT) và Nguyễn Văn Trúc (lớp 21CDT2) cùng ở Khoa Cơ khí.
Phan Tuấn Nhật cho biết, sau đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào cuối năm 2021, để giảm áp lực cho ngành y tế, TP.Đà Nẵng đã cho bệnh nhân mắc COVID-19 cách ly y tế tại nhà. Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nguồn rác thải y tế này, nên nhóm của Nhật đã có ý tưởng sáng chế thùng rác thông minh.
Sau gần hai tháng thực hiện, chiếc thùng rác thông minh đầu tiên đã được hoàn thiện. Quá trình chế tạo, nhóm tìm sử dụng nhựa composite chịu nhiệt, không bị ăn mòn và an toàn với người dùng. Sau khi thực hiện phần cứng, nhóm tiến hành gia công hệ thống mạch điện tử và tích hợp lên phần cứng thùng rác. Giao diện ứng dụng được thiết kế dưới dạng bảng điều khiển giúp người dùng có cái nhìn tổng quát về tình trạng rác thải, lịch sử đổ rác cũng như thống kê cân nặng, tên nhân viên, giá tiền và thời gian thu gom rác.
Thùng rác thông minh của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng - Ảnh: N.Uyên |
Hệ thống thu gom rác thải có hai phần chính gồm: Thùng rác thông minh và phần mềm ứng dụng quản lý rác thải. Với hệ thống này, người dùng có thể quản lý tình trạng các thùng rác. Cụ thể, thông tin sẽ được cập nhật thông qua giao diện ứng dụng website và hướng dẫn nhân viên đến điểm thu gom rác. Mỗi thùng rác đều có chức năng định vị GPS, sử dụng công nghệ RFID - nhận dạng qua tần số vô tuyến xác thực người dùng chỉ cho phép nhân viên hoặc bệnh nhân F0 mở nắp thùng, giúp bảo vệ người xung quanh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Khi có rác, hệ thống khử khuẩn bằng tia UVC sẽ tự động kích hoạt nhằm hạn chế sự gia tăng của virus.
Ngoài ra, thùng rác thông minh còn kết nối internet truyền dữ liệu đến hệ thống máy chủ, từ đó đưa ra các cảnh báo trong công tác thu gom và quản lý chất thải. Mỗi thùng có khả năng chứa 15kg rác thải nguy hại. Giá mỗi sản phẩm đưa ra thị trường khoảng 2 triệu đồng. Sinh viên Nguyễn Văn Trúc chia sẻ thêm, hiện nhóm cũng đã nghĩ đến việc hợp tác và chuyển giao công nghệ hoặc cho thuê dịch vụ quản lý vận hành hệ thống. Thời gian tới, nhóm sẽ tìm kiếm nhà đầu tư thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, khoa học - công nghệ.
Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử, giảng viên trực tiếp hướng dẫn nhóm - nhìn nhận: “Hệ thống thùng rác thông minh có thể phát triển lên mức cao hơn như tích hợp thêm nguồn năng lượng mặt trời khi sử dụng ngoài trời và thêm giải pháp công nghệ mạng không dây. Ngoài ra, dựa trên nguồn dữ liệu thu thập được, có thể nâng cấp và triển khai các thùng rác chứa chất thải thông thường và phân loại rác thải tại nguồn”.
Trưởng nhóm Phan Tuấn Nhật cho hay: “Sau khi đạt giải nhất tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2021 - 2022 cấp trường, nhóm đang phát triển thêm nguồn dự phòng năng lượng mặt trời và giải pháp mạng Lora. Đây là giải pháp mạng diện rộng công suất thấp, có khả năng truyền tải dữ liệu trong bán kính khoảng 5km ở khu vực đô thị và 10 - 15km ở khu vực nông thôn, phù hợp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh”.
Ngọc Uyên